Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 27/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 27/4/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp ngày 27/4/2022. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Thông báo số 159/TB-VPCP ban hành ngày 27/5/2022, nêu rõ: sau khi nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Công ty cồ phần Tập đoàn công nghệ CMC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban kết luận như sau:

Thứ nhất, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành đã có chuyển biến nhưng so với yêu cầu cần phải được cải thiện hơn nữa, tránh hình thức. 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo, có trọng tâm, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó lựa chọn ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy công tác này. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng đã ban hành một số văn bản quan trọng.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư với trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570 nghìn thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số, đây là những bước chuyển biến rất tích cực. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cũng đang được tích cực triển khai, bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phát huy tinh thần này, triển khai nhanh, toàn diện.

Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế ngày càng tăng, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng gần 500 doanh nghiệp so với năm 2021. Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, trong quý I năm 2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10 năm 2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số. Xã hội số, với trọng tâm là công dân số được chú trọng, một số ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu của người Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng, số người nộp thuế, thanh toán trực tuyến tăng nhưng so với sự phát triển phải tăng cao hơn nữa.

Các hoạt động chuyển đổi số được quốc tế đánh giá cao và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu khu vực ASEAN về chuyển đổi số.

Thứ hai, bên cạnh những kết quả đạt được, phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để chuyển đổi số thực chất, hiệu quả hơn như nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở các bộ, ngành, địa phương tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc, việc thực hiện còn mang tính hình thức, cần quyết liệt loại bỏ căn bệnh này; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, cần huy động vai trò của người dân, doanh nghiệp vào việc xây dựng thể chế; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và hồ sơ trực tuyến còn thấp; chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được hưởng thụ nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông... để giúp mọi người bình đẳng hưởng thụ, phát triển; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, nhất là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cần phải đẩy mạnh; nhiều nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử triển khai chậm, kết nối giữa các nền tảng còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu người dân, an toàn công nghệ số còn chưa được chú trọng đúng mức; công tác đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.

Thứ ba, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã hoạt động rất tích cực, thúc đẩy công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia đã có báo cáo chuyên đề hàng tuần cung cấp nhiều thông tin, nội dung hay bổ ích với bức tranh toàn cảnh.

Chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, có nhiều khó khăn, thách thức, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước, thực hiện các mục tiêu quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra, yêu cầu của sự phát triển gắn với thực tiễn. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ủy ban họp định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm cần có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể, kiểm điểm được, mang lại lợi ích quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thống nhất một số quan điểm trong việc triển khai như sau:

Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được nhằm tạo không gian phát triển mới, động lực mới. Có tư duy đột phá để tạo ra nguồn lực có tính chất đột phá vì nguồn lực xuất phát từ tư duy và phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phát triển có lộ trình, an toàn, bền vững, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo và huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả, sản phẩm cụ thể.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có tính kết nối, liên thông cao.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ được phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.

Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát để đánh giá, đo lường kết quả công việc, kịp thời nhân rộng những mô hình hay, kết quả tốt và phê bình, kiểm điểm các công việc không hoàn thành, kém chất lượng.

Thứ tư, về nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2022 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu:

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Sớm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban thành lập Văn phòng hoặc bộ phận tham mưu cho Ủy ban để kiện toàn bộ phận giúp việc có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế; Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, dựa vào phong trào thanh niên, phải có trọng tâm, trọng điểm, vừa có lợi ích quốc gia, lợi ích chung gắn với lợi ích cá nhân để tạo động lực cho mỗi người; chủ động đôn đốc, kiểm tra, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo các chiến lược, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; báo cáo tình hình triển khai tại các phiên họp của Ủy ban; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thú tướng Chính phủ việc đổi tên đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin bảo đảm thống nhất, phù hợp với định hướng cải cách, tinh gọn bộ máy.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch, chương trình hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia và tình hình, khả năng của cơ quan, địa phương mình; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban, phải cụ thể công việc theo từng quý và lượng hóa được kết quả thực hiện, báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ủy ban; khẩn trương thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp bảo đảm tiến độ phục vụ triển khai Đế án 06; triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022. Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai ngay từ ngày 01/6/2022. Riêng 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu triển khai theo yêu cầu Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022.

Thông báo cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhất trí chủ trương có cơ chế, chính sách huy động chuyên gia triển khai các hoạt động chuyển đổi số mà cơ quan nhà nước đang rất thiếu nguồn lực chuyên nghiệp và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được coi trọng, trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là những vấn đề mới nhằm tạo sự đồng thuận, nắm bắt được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chính sách đi vào thực thi, đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 121.994
    Online: 12